Đấu thầu- Mua sắm công

Hang Én

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Hang Én nằm ở khu trung tâm trong quần thể núi đá vôi thuộc vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng (tỉnh Quảng Bình, Việt Nam); là hang động lớn thứ ba trên thế giới, sau hang Sơn Đoòng (Việt Nam) và hang Deer (Malaysia). Đường tới hang Én  xuyên qua rừng rậm; qua dốc cao và ngoằn ngoèo; qua khoảng 30 quãng suối và sông… nên chỉ có một phương tiện di chuyển: đôi chân đi bộ. Trekking hang Én, đối với tôi là một hành trình khám phá thú vị, lãng mạn và đầy bí ẩn.

           Hành trình ấy được khởi đầu bằng con dốc Ba Giàn gần 2km. Dốc cao và gập ghềnh. Đường mòn vừa một người đi, khá trơn, nhiều chặng có cây khô chắn ngang phải trèo qua; hoặc những vòm dây leo giăng chéo phải khom người chui qua. Bù lại, ta sẽ được nhìn tận mắt những gốc cây cổ thụ tán cao vút, thân đầy các loại dây leo; có cả phong lan nữa. Đương nhiên có cả sên, vắt, nhiều loài côn trùng và chim chóc tôi không biết tên… Cảm giác về một cuộc “ngược dòng” tìm về với thủa sơ khai đến với tôi ngay khi len lỏi qua cánh rừng nguyên sinh này.

    

 

 

 

  (Leo dốc Ba Giàn)

           Đi hết dốc Ba Giàn là tới thung lũng Rào Thương, được bao quanh bởi con suối cùng tên. Nhiều đoạn đường bằng qua thung lũng – suối róc rách sát chân núi, thảm cỏ, rồi cây cối rậm rạp, lúp xúp, từ đó vẳng ra tiếng chim kêu… Thích nhất là khi được lội qua suối. Nước trong vắt, mát lạnh, hiện rõ làn đá cuội nơi đáy suối. Nhiều quãng còn nhìn rõ đàn cá trôi liêu xiêu giữa dòng nước chảy xiết như những chiếc lá trúc khô. Thích vô cùng những đàn bướm đủ màu – vàng, trắng, xanh đen - gặp ven đường, ven suối. Chúng đậu thành từng vạt như đám hoa lá ai xếp trên mặt đất. Thấy động, chúng bay lên, lượn vòng, quấn quít cả vào chân người. Bước đi cùng đàn bướm, ngắm những cánh hồ điệp mong manh giữa không gian trong trẻo, im vắng, tôi ngỡ mình đang đi trong một giấc mộng đẹp.

 Cuộc gặp gỡ với bản Đoòng đưa tôi về thực tại, nhưng là một thực tại khác xa cuộc sống vội vã, sôi động ở “ngoài kia”. Bản chưa đầy chục nóc nhà, chỉ khoảng 3 chục người dân, sống bằng nương rẫy và những sản vật của rừng. Cuộc mưu sinh của họ chắc chắn là nhiều vất vả, khó khăn nhưng trên gương mặt họ không có nỗi lo âu hay sự hoài nghi. Màu da sạm nắng và nét người khắc khổ nhưng vẻ mặt niềm nở, ánh mắt và nụ cười rất hồn nhiên, chân thật.

 Quãng đường từ bản Đoòng đến hang Én dễ đi và rất đẹp. Hai bên đường là những vạt lau lách rậm rạp; những bãi cỏ bằng phẳng. Trên đầu, bầu trời cao, rộng thênh thang. Những dãy núi trùng điệp được phủ kín cây xanh, mây và khí núi màu lam nhẹ bay vờn qua đỉnh rừng. Cách 1km, đã có thể nhìn thấy vòm hang Én. Và hãy tin tôi, những mệt mỏi của một ngày leo dốc, lội sông hơn 10 cây số sẽ tiêu tan ngay trong khoảnh khắc ta đứng trước hang Én– không gian được hình thành từ 400 – 500 triệu năm trước.

 

 

 

 (Cửa vào hang Én ấn sau những tầng cây lá xanh tươi) 

   

 

  (Cửa vào hang Én, rộng khoảng 100m)

Chưa ở đâu, tôi cảm nhận về thiên nhiên như về Mẹ - một cách rõ ràng -  như mấy chục giờ sống và lang thang giữa lòng hang Én.

 Hang Én như cái tổ khổng lồ và an toàn Mẹ Thiên nhiên tạo dựng sẵn cho con người, với không gian trú ẩn, nước, không khí, ánh sáng… Hang có 3 cửa lớn: cửa trước có 2 lớp, vòm cửa ngoài dẫn vào một “sảnh chờ” rất rộng rãi; cửa trong lại thấp hẹp, sát ngay dải sông ngầm khá rộng, sâu quá thắt lưng. Muốn vào hang, phải lội qua sông ; trèo ngược vách đá hiểm trở, cao mấy chục mét. Đứng trên đỉnh dốc sẽ  nhìn thấy lòng hang xa tít phía dưới, được bao bọc bằng một quãng sông rộng. Vịn đá lần xuống chân dốc, chúng tôi ngồi bè qua sông để đến lòng hang chính. Lòng hang Én phía trước, nơi rộng nhất khoảng 110m, có thể chứa được hàng trăm người. Trần hang đẹp như mái vòm của một thánh đường – nơi cao nhất tương đương với tòa nhà 40 tầng (120m). Cửa thứ hai thông lên mặt đất như cái giếng trời khổng lồ đón khí trời và ánh sáng.

  

(Lòng Hang chính, chứa được cả trăm người, nhìn từ trên đỉnh dốc cao)

Hàng vạn con chim én vẫn cư ngụ trong hang và chưa phải biết sợ con người. Bữa tối, một chú én sa xuống bên bàn ăn, cánh nó bị thương ko bay được, một bạn cho nó ăn trong lòng tay. Sáng hôm sau tôi vẫn thấy nó thản nhiên đi lại quanh lều. Chắc nó sẽ bình phục và sẽ lại tung cánh bay qua cái giếng trời kia… Nhiều bạn én thiếu niên ngủ nướng, đậu ngay trên đá dọc lối đi, nếu đặt lên vai bạn sẽ rúc vào tóc hoặc leo ngay lên chễm chệ trên đầu mình để…ngủ tiếp!

Vòng ra sau hang Én, là có thể bước chầm chậm qua vài trăm triệu năm. Thấy những ‘thương hải tang điền” còn hiện hữu trên dải hóa thạch nơi vách đá. Rồi nhũ đá, măng đá, ngọc động giăng đầy bên những vách hang… Chuyên gia hang động Howard Limbert (người tìm ra hơn 500 hang động ở Việt Nam, trong đó có Sơn Đoòng - hang tự nhiên lớn nhất thế giới) khẳng định rằng: mỗi cm kia, là phải có cả  trăm triệu năm bào mòn hay bồi đắp mới nên. Và tất cả măng đá, nhũ đá, ngọc động ấy vẫn “sống” trong hành trình tạo tác của tự nhiên. Chỉ một cái chạm tay thôi, sự sống ấy vĩnh cửu ấy sẽ lập tức chấm dứt (vì chất dầu trên da con người sẽ khiến nước trôi tuột đi, ko còn có thể bồi đắp nữa!). Từng người chúng tôi qua đây đều rón rén trên lối đi nhỏ  - để không giẫm nát trăm triệu năm nào!

Trong lòng hang sau, có những dải đá san hô uốn lượn thành bao nhiêu tầng, bậc lớn nhỏ; mỗi bậc đều đọng đầy nước nguồn trong vắt. Tôi nghĩ, có lẽ người xưa đã nhờ “gợi ý” từ món quà này của Mẹ Thiên Nhiên mà sáng tạo nên những khu ruộng bậc thang có thể giữ đất và giữ nước để cấy trồng chăng?

   

    (Những bậc san hô giống hệt ruộng bậc thang)

            Cửa thứ ba ở phía sau của hang Én cũng cao hơn 100m, là nơi dòng sông ra khỏi lòng hang và dẫn lối đến Sơn Đoòng.

  

        

 Đêm ở hang Én là trải nghiệm đáng nhớ nhất trong chuyến đi này.

Trải nghiệm đầu tiên là được tắm nơi quãng sông ngầm đỗ lại bên lòng hang chính thành mặt hồ êm đềm. Bờ cát thoải dần, đáy toàn sỏi, đá đã bào nhẵn, nước mát lạnh, nhìn thấu đáy, quãng  sông  như một bãi tắm thiên nhiên dành sẵn cho con người. Do nhiệt độ chênh lệch nên một nửa bến tắm này ấm hơn; một nửa lạnh hơn. Lúc đằm người xuống dòng nước nguồn trong vắt; nghe tiếng cười vang vọng vào vách đá ; nhìn những đốm sáng chập chờn giữa lòng hang tối tôi lại ngỡ mình lạc về thời nguyên thủy!

Khi bóng tối trùm kín hang, thì khoảng trời trên cửa hang thứ hai vẫn sáng rất lâu nên có thể nhìn thấy  từng đàn én bay về, chao liệng qua lại không dứt. Đây là nơi cư ngụ của hàng vạn con chim én. Nghe nói thời xa xưa, tộc người Arem cũng sống trong hang Én. Chim non và trứng từng là một nguồn thực phẩm của họ. Giờ họ đã rời ra ngoài sống thành bản nhưng vẫn còn giữ lễ hội “ăn én”. Cũng nghe nói trong bản Arem vẫn còn một người có bàn chân dẹt – dấu tích của bao nhiêu thế hệ leo vách đá, trần hang cao cả trăm mét. Nhưng họ không bao giờ “ăn hết” của rừng, mà luôn biết dành dụm, nuôi dưỡng – như khi “ăn ong”, họ bao giờ cũng để lại một phần tổ cho đàn ong có nơi trú ngụ, sinh sống tiếp.

Dù biết phải “hồi sức” để ngày hôm sau còn leo trèo các vách núi và lội sông ngầm nhưng ko ai muốn ngủ trong một đêm như thế này! Chúng tôi ngồi bệt trên cát, trước mặt là khoảng sông lấp lánh, trên cao là trần hang và khoảng trời thăm thẳm. Tứ  bề tiếng chim líu ríu như ru nhau và ru người.

Nửa đêm thức dậy, vẫn nghe tiếng chim chíu chit, tiếng nước chảy âm âm – và cả tiếng phân chim rơi độp trên mái lều. 5h đã thấy sáng bừng cả hang, tưởng người ta bật điện – hóa ra ánh sáng rọi chéo từ khoảng trời cao xuống thành luồng hòa với hơi nước mỏng thành lãng đãng khói mơ. Ai nấy nhoài ra khỏi lều, chân trần chạy lòng vòng dọc bờ sông, rồi ngồi ngay trên bờ vục nước rửa mặt, hít căng lồng ngực thứ không khí mát lành, trong vắt.

HÀ MY