Đấu thầu- Mua sắm công

Đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề tài “Khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình”

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Chiều ngày 14/12/2022, tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình, Hội đồng khoa học đánh giá nghiệm thu cấp tỉnh đã tổ chức nghiệm thu nhiệm vụ khoa học và công nghệ đề tài “Khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình” do Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình chủ trì thực hiện. Hội đồng khoa học gồm 08 thành viên, ông Nguyễn Chí Thắng - TUV, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ làm Chủ tịch Hội đồng.

Toàn cảnh buổi đánh giá, nghiệm thu cấp tỉnh

Nhiệm vụ KH&CN được triển khai thực hiện từ tháng 01/2021 theo Quyết định số 1995/QĐ-UBND ngày 16/5/2020 của UBND tỉnh Quảng Bình và Hợp đồng thực hiện nhiệm vụ khoa học và công nghệ số 03/HĐ-KHCN ngày 06/01/2021giữa Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình và Sở Du lịch tỉnh Quảng Bình, với mục tiêu nghiên cứu, đối chiếu, phân loại hệ thống tài nguyên hang động phục vụ du lịch của tỉnh Quảng Bình; phân tích thực trạng khai thác và phát triển bền vững tài nguyên hang động phục vụ du lịch của tỉnh; đề xuất các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động tỉnh Quảng Bình, phù hợp tình hình thực tiễn, các quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và du lịch của tỉnh.

Đối tượng nghiên cứu của nhiệm vụ là hệ thống hang động có tiềm năng phát triển du lịch và các hang động đã và đang khai thác phát triển du lịch tại VQG PN-KB, huyện BốTrạch, Lệ Thủy, Quảng Ninh, Minh Hóa, Tuyên Hóa; các sản phẩm, dịch vụ du lịch tại các hang động đang khai thác và phát triển du lịch; đối tượng điều tra thông qua phỏng vấn bằng bảng hỏi là khách du lịch và cộng đồng dân cư tại các xã có hệ thống hang động đã được khảo sát và phát triển du lịch và đối tượng lấy ý kiến thông qua chuyên đề và tham luận là các chuyên gia, thực hiện trong khoảng thời gian từ năm 2015 đến năm 2019, do năm 2020 và năm 2021, nhiều hoạt động du lịch bị ngưng trệ vì ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid - 19.

Sau 2 năm thực hiện, nhiệm vụ đã hoàn thành theo tiến độ đề ra và đạt được các kết quả như sau: Hệ thống hóa cơ sở lý thuyết về tài nguyên du lịch hang động phục vụ du lịch và phát triển du lịch bền vững; đánh giá thực trạng nguồn tài nguyên du lịch hang động và hiệu quả hoạt động khai thác và phát triển bền vững tài nguyên hang động phục vụ du lịch tại Quảng Bình; đề xuất 07 giải pháp nhằm khai thác và phát triển bền vững nguồn tài nguyên du lịch hang động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình (Giải pháp về cơ chế, chính sách, chiến lược phát triển; Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực; Giải pháp về phát triển sản phẩm du lịch; Giải pháp về công tác quảng bá, xúc tiến du lịch; Giải pháp về huy động nguồn lực phát triển bền vững du lịch hang động tại Quảng Bình; Giải pháp về nâng cao nhận thức và năng lực cộng đồng: Giải pháp về nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị tài nguyên hang động phục vụ du lịch tại Quảng Bình gắn với mục tiêu phát triển kinh tế).  

Đại diện nhóm nghiên cứu báo cáo các kết quả thực hiện

Tại buổi nghiệm thu, sau khi đại diện nhóm nghiên cứu trình bày các kết quả thực hiện, các thành viên trong Hội đồng Khoa học đã đưa ra các ý kiến nhận xét. Hội đồng đánh giá cao những kết quả đã đạt được của nhiệm vụ bởi những giá trị khoa học và thực tiễn. Bên cạnh đó, Hội đồng cũng đã đưa ra một số góp ý để nhóm nghiên cứu tiếp tục bổ sung, hoàn thiện nhiệm vụ.

Các thành viên trong Hội đồng Khoa học đánh giá, nhận xét kết quả thực hiện của nhiệm vụ

Kết luận hội nghị, đồng chí Nguyễn Chí Thắng, Chủ tịch Hội đồng Khoa học nghiệm thu khẳng định: Mặc dù trong thời gian qua đã có một số nghiên cứu liên quan đến hang động của tỉnh nhưng đề tài nêu trên là nghiên cứu đầu tiên về vấn đề khai thác và phát triển bền vững tài nguyên du lịch hang động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Kết quả nghiên cứu góp phần cụ thể hóa để triển khai hiệu quả các nội dung về phát triển du lịch trong Quy hoạch tỉnh Quảng Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; là tài liệu tham khảo để tham mưu các văn bản trong quản lý bền vững du lịch hang động; xây dựng các đề án khai thác, phát triển tài nguyên du lịch hang động của tỉnh, phục vụ công tác quảng bá, xúc tiến du lịch và xúc tiến đầu tư phát triển du lịch Quảng Bình.

Thùy Dung

Các tin khác