Đấu thầu- Mua sắm công

Tài liệu "Hướng dẫn xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2021-2030"

Xem với cỡ chữ : A- A A+

 

Giáo dục và đào tạo có sứ mạng nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; là nhân tố quan trọng hàng đầu tạo ra những giá trị, hoàn thiện nhân cách con người; là nhân tố quyết định chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, GDĐT có vị trí và vai trò đặc biệt quan trọng, là nhân tố quyết định sự phát triển bền vững của đất nước.

Xã hội học tập là một triết lý giáo dục được coi là chìa khóa cho sự phát triển kinh tế của quốc gia. Ở Việt Nam, chủ trương xây dựng và phát triển XHHT được Đảng xác định từ Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ IX “Đẩy mạnh phong trào học tập trong nhân dân bằng nhiều hình thức GDCQ và không chính quy, thực hiện giáo dục cho mọi người, cả nước trở thành một XHHT”.

Xây dựng XHHT vừa là một nhiệm vụ cấp bách, vừa là một yêu cầu chiến lược, nhiệm vụ cơ bản, lâu dài của nền giáo dục nước nhà, quyết định thành công của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa; quyết định trong việc biến đổi nền kinh tế Việt Nam thành một nền kinh tế tri thức, góp phần đưa xã hội Việt Nam thành một xã hội trí tuệ, hiện đại, hội nhập kinh tế thế giới.

Nhiệm vụ trọng tâm của xây dựng XHHT là giúp mọi người bất kể độ tuổi, nghề nghiệp, địa vị xã hội... đều thấy cần phải học và học suốt đời, xem học tập là một nhu cầu của cuộc sống, như cơm ăn, áo mặc. XHHT tạo môi trường học tập đáp ứng cao nhất nhu cầu học tập ban đầu và học suốt đời của mọi tầng lớp nhân dân, mọi lứa tuổi, trong đó đặc biệt chú ý nhu cầu học tập của người cao tuổi, người khuyết tật, người thiệt thòi về giáo dục. XHHT tạo điều kiện cho mọi người có thể học ở mọi nơi, mọi lúc, học bằng nhiều cách... theo nguyên tắc tự học là chính.

Triển khai chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành các đề án thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT giai đoạn 2005 – 2010, giai đoạn 2012 - 2020. Kết quả thực hiện nhiệm vụ xây dựng XHHT cho thấy các cấp ủy Đảng, chính quyền và đoàn thể các địa phương trong cả nước đã quan tâm, chỉ đạo triển khai thực hiện với nhiều hình thức đa dạng, phong phú, như: Ban hành kế hoạch và thành lập Ban chỉ đạo; ban hành chỉ thị, nghị quyết của tỉnh/thành ủy, hội đồng nhân dân tỉnh/thành phố; tuyên truyền nâng cao nhận thức về vai trò, tác dụng của HTSĐ, xây dựng XHHT; xây dựng các mô hình học tập; tổ chức nhiều khóa đào tạo, bồi dưỡng, phổ biến kiến thức theo đối tượng phục vụ nhu cầu HTSĐ trong mọi tầng lớp nhân dân.

Trên cơ sở những kết quả và bài học kinh nghiệm được tổng kết trong quá trình xây dựng XHHT giai đoạn 2005-2020, tiếp tục xây dựng XHHT dựa trên nền tảng phát triển đồng thời, gắn kết và liên thông giữa GDCQ với GDTX, liên thông giữa các cấp học, trình độ đào tạo; vận dụng mọi hình thức giáo dục, đào tạo tiên tiến, hiệu quả, phù hợp với mục tiêu giáo dục; ứng dụng công nghệ số và dạy học trực tuyến trong tổ chức các hoạt động giảng dạy và học tập góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ sở GDĐT đáp ứng nhu cầu học tập của xã hội; mọi công dân có trách nhiệm và quyền lợi được học tập thường xuyên, học suốt đời, tận dụng mọi cơ hội học tập để trở thành công dân số, CDHT toàn cầu; xây dựng môi trường HTSĐ tại nơi làm việc đáp ứng các yêu cầu về năng suất, hiệu quả, chuẩn mực đạo đức và tác phong văn hóa nghề nghiệp; khơi dậy mạnh mẽ tinh thần yêu nước, ý chí tự dân tộc, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc; tạo đột phá trong đổi mới căn bản, toàn diện GDĐT, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quôc tế sâu rộng theo tinh thần Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng.

Ngày 30/7/2021, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1373/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Xây dựng XHHT giai đoạn 2021-2030” xác định 04 mục tiêu cụ thể theo từng giai đoạn và 06 nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu. Thủ tướng Chính phủ giao Bộ GDĐT là cơ quan thường trực, giúp Thủ tướng Chính phủ tổ chức triển khai; các bộ, ngành, các địa phương căn cứ mục tiêu, nhiệm vụ xây dựng kế hoạch, chương trình triển khai thực hiện.

Để cung cấp những nội dung cơ bản về xây dựng XHHT, Vụ GDTX, Bộ GDĐT biên soạn tài liệu “Hướng dẫn xây dựng XHHT”. Tài liệu nhằm hỗ trợ cung cấp cho cán bộ quản lý GDTX các cấp, cán bộ công tác trong lĩnh vực khuyến học, khuyến tài, xây dựng XHHT ở các tỉnh/thành phố những kiến thức, thông tin cơ bản về chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập; cách thức tổ chức xây dựng và nhân rộng các mô hình học tập để có thể vận dụng vào thực tiễn công tác.

Cấu trúc tài liệu gồm 05 chương:

Chương 1: Một số vấn đề chung về HTSĐ và xây dựng XHHT.

Chương 2: Chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về xây dựng xã hội học tập.

Chương 3: Hướng dẫn tổ chức thực hiện công tác xây dựng XHHT. Chương 4: Hướng dẫn đánh giá kết quả xây dựng XHHT ở Việt Nam

Chương 5: Giới thiệu quy trình xét khen thưởng cho các tập thể, cá nhân tiêu biểu, xuất sắc trong công tác xây dựng XHHT

Xin bày tỏ lời cảm ơn trân trọng tới các chuyên gia thuộc nhiều lĩnh vực đã hỗ trợ cho việc biên soạn và hoàn thiện tài liệu. Xin cảm ơn các địa phương đã tham gia đóng góp những ý kiến quý báu để tài liệu được hoàn chỉnh hơn.

Mặc dù nhóm tác giả đã có nhiều cố gắng, song không tránh khỏi những thiếu sót nhất định trong quá trình biên soạn tài liệu. Rất mong tiếp tục nhận được những ý kiến trao đổi, góp ý của các cá nhân, đơn vị khi sử dụng tài liệu.

Trân trọng cảm ơn!

XEM TOÀN BỘ TÀI LIỆU