Đấu thầu- Mua sắm công

Hành trình của những chú đom đóm

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Đôi khi chúng ta phải cảm ơn những điều đến bất chợt!

Trong những ngày cuối cùng ở Việt Nam trước khi chuyển đến sinh sống tại Hàn Quốc, tôi bị lạc trong một mớ cảm xúc lẫn lộn: giữa sự gắn gó, yêu thương với quê nhà, và sự thôi thúc ra đi của trái tim tuổi trẻ. Tôi quyết định sẽ đi một chuyến đi ngắn trước khi rời Việt Nam. Và tôi chọn trở lại Quảng Bình.

Trong phút thứ 89, tôi thấy vui vì chuyến đi này bạn đồng hành của tôi không chỉ là cây tripod như thường lệ nữa, mà là những người cộng sự thực thụ. Có bạn cũ, bạn mới, cũng có những người mới quen trên Facebook. Chuyến đi thật đáng mong đợi!

Trong một buổi tối loay hoay kiếm tìm homestay và các địa điểm cho chuyến đi, tôi bắt gặp câu nói quen thuộc mà tôi yêu thích và cũng thường chia sẻ với bạn bè mình:

“Go to a place that you have never been

do things that you have never done

we have one life to live so we have to live it the best we can”

Tôi quyết định phải làm điều gì đó thật khác biệt cho chuyến đi Quảng Bình thân quen này!

Vượt ra vùng an toàn

Định nghĩa về “vùng an toàn” với mỗi người một khác. Riêng với tôi, việc đi chơi check in, nhẹ nhàng, thoải mái đang là việc quá nhàm chán và tôi muốn thoát khỏi nó một lần. Ít nhất là cho chuyến đi trước khi rời khỏi Việt Nam. Tôi không muốn thay đổi lịch trình của các bạn đồng hành, nên đã đi vào Quảng Bình một mình trước vài ngày, và chương trình khám phá hang Tiger chính là “cửa nẻo” để tôi đi ra khỏi vùng an toàn của bản thân.

Chuyến hành trình “sát phạt” một trong những hang động lớn của thế giới, chiếm lĩnh một vùng đất xanh tươi tại Quảng Bình đã giúp mình nghiệm ra một vấn đề, “tính cách” của mẹ thiên nhiên luôn sôi nổi và bất đồng với quan điểm của con người. Đôi khi mang phảng phất có vẻ đẹp bình yên đến tiếng gió cũng khẽ làm người ta giật mình, đôi khi lại trở nên dữ tợn như một con sư tử bị xổng mất con mồi khi vừa bắt được.

3 ngày 2 đêm, di chuyển hơn 25km đường rừng, ghé thăm 4 hang động trong đó có hang Pygmy lớn thứ 4 thế giới còn hang Tiger xếp thứ 6, hành trình tại vùng đất của Kong có lẽ là sẽ một lý tưởng lớn để giúp ai đó muốn vượt ra khỏi vùng an toàn của bản thân, hay chỉ đơn thuần là dùng sức trẻ của mình để khám phá hết vẻ đẹp của Việt Nam quê hương mình.

Chinh phục hệ thống động tại Quảng Bình giống như phó mặc thân thể cho thiên nhiên mặc sức mà hành xác. Tuy nhiên, mình cũng chẳng quan ngại mấy vì trước khi đi đã xác định mình muốn điều gì, ở đây có hẳn một biệt đội chuyên dắt khách thám hiểm hang động dưới sự quản lý của công ty Jungle Boss. Những người hùng thầm lặng, chăm sóc cho chuyến đi cùng những người trong đoàn, có người anh khiêng balo nặng mà vẫn cười tít mắt, còn có người xông xáo mang vác bình nước và bếp núc, và những người hùng âm thầm đó là các anh Porter. Giống như những công ty dịch vụ trekking khác, sẽ có hẳn một thời gian cụ thể để training và phát thảo đường đi cho khách tránh các trường hợp xấu xảy ra, nên tôi rất an tâm.

Ngày đầu tiên ở Kong Collapse

Địa điểm đầu tiên đoàn chúng tôi dừng lại hạ trại là Kong Collapse, để đến được đây thì chúng tôi phải bơi qua một cửa hang. Giống như tuyệt tình cốc ở trong phim Thần điêu đại hiệp của Kim Dung vậy, sau khi bơi qua khoảng 300m trong hang thì hố sụt dần hiện lên ở phía ngoài cùng ánh hoàng hôn đang lụi dần. Lên đến bờ thì các anh Porter đi trước đang dựng lều và chuẩn bị bữa tối rồi. Cũng không còn cảm thấy lạnh nữa vì được các anh chuẩn bị cả trà ấm sau khi lên bờ.

đoàn tắm rửa tại trước miệng hang dẫn vào Kong Collapse này, thư giãn và cùng nhau tận hưởng không gian tuyệt vời. Buổi tối ở Kong Collapse trở nên vắng vẻ hơn hẳn, khung cảnh về đêm ở đây thật tĩnh mịch.

Dưới màn đêm lập lòe vài ánh đèn của Porter, mọi người tập trung lại với nhau thưởng thức những món ăn sung túc, và chuẩn bị tinh thần lân lân với món rượu chuối đặc sản của vùng rừng núi Phong Nha để dễ ngủ hơn, các anh guide và porter bảo chúng tôi vậy, hôm đó cũng là sinh nhật của một thành viên trong đoàn nữa, tiệc tan mọi người trở về lều ngủ , còn các anh porter ở lại dọn dẹp rồi nghỉ sau.

Ngày thứ 2.

Sau một đêm nghỉ ngơi tôi chui ra khỏi lều của mình, thì đã thấy các anh porter đang chuẩn bị bữa sáng rồi. Cả đoàn ăn sáng xong, thì được các anh guider phát đồ bảo hộ bao gồm mũ bảo hiểm cùng găng tay leo núi.

Thử thách lớn nhất trong lần sát phạt Hang Hổ là phải tự mình leo qua quả núi dốc dựng đứng khoảng 150m trước khi tiến vào hang Hổ, con đường bắt đầu dốc hơn, những phiến đá ẩm ướt bám đầy rêu xanh. Tuy thế, vẫn là sự nhiệt tình của những anh Porter đã hỗ trợ đoàn hết mình. Và đến đoạn cuối cùng, các bạn phải bơi 300m qua đoạn sông ngầm lạnh tanh để đổ bộ vào cửa hang Hổ, nhiệt độ nước trong hang lúc đó chỉ khoảng 17 đến 18.

Tên Tiger Cave cũng bắt nguồn từ những hình thù kỳ lạ giống như dấu chân hổ trong hang động, chuyến hành trình gian nan như thế đánh đổi lại là được ngắm nhìn khung cảnh tuyệt đẹp tại cửa sâu của hang Hổ, những dòng suối nhỏ, những hòn đó bám đầy rêu màu đồng, một thảm thực vật nguyên sơ sinh sôi nảy nở.

Đến cửa ra hang Hổ và khám phá hố sụt tiếp theo giữa hang Hổ và hang Over. Xuyên qua khu rừng trong hố sụt chúng tôi đến với cửa hang Over.

Cái tên Over cave ra đời cũng nhờ vào một sự tích kỳ lạ từ một chuyên gia thám hiểm các hang động nổi tiếng. Trong cơn say ngất ngư ông luôn miệng gọi tên “Over, over” và từ đó Over hẳn là cái tên được nhiều người gọi khi đến thám hiểm tại đây. Hang Over chỉ cách hang Tiger khoảng 15 phút trekking, hang Over được hình thành từ một hang động lớn, trải qua hàng ngàn năm biến đổi địa chất địa mạo, nên đã tạo nên một hố sụt khổng lồ, thế nên ở đây có hẳn một lớp thực vật trù phù lung linh dưới nắng trời.

Sau khi ăn trưa tại hang Over, thì chúng tôi được phát trang thiết bị an toàn để khám phá hang động dài 3.2km, đây là lần đầu tiên chúng tôi được tiến sâu vào trong lòng mẹ thiên nhiên đến vậy. Sau một quãng thời gian đi bộ, thì xung quanh chỉ là bóng tối và chiếc đèn pin được phát huy tác dụng, để thấy đường đi trong hang động.

Sau khi ra khỏi Over thì chúng tôi tới một hố sụt khác nối liền giữa Over và Pygmy, hố sụt khổng lồ này ẩn chưa cả một khu rừng nguyên sinh rộng lớn ngay bên trong.

Xuyên qua khu rừng trong hố sụt thì chúng tôi bước vào trinh phục Pygmy, điểm cuối của hành trình khám phá này. Bằng việc đi men theo dây an toàn để đi dọc vách đá tựa như hoá thạch của sống lưng khủng long. Kết thúc của đoạn đường này là việc đu dây khoảng 10m để đi bộ đến cửa hang chính của Pygmy.

Xuống tận đáy hang động, mà chưa bao giờ tưởng tượng được thiên nhiên Việt Nam lại có thể lợi hại đến thế, đứng nhỏ bé trước hang Pygmy cứ ngỡ mình đang sắp bị nuốt chửng nếu lơ là vài phút. Chưa kịp thở phào một cái, thì phải di chuyển thêm 500m nữa để đến khu vực cắm trại gần với chính của miệng hang Pygmy.

Đoàn chúng tôi hạ trại ngay cửa hang Pygmy,đây cũng là điểm cuối của tour này. Buổi tối ở hang Pygmy trở nên vắng vẻ hơn hẳn, khung cảnh về đêm ở trong hang thật tĩnh mịch, yên lặng chỉ toàn nghe thấy tiếng côn trùng rúc rích, những giọt nước tanh tách từ trên trần hang rơi xuống và kèm theo đó là cái lạnh ẩm ương đã tạo cho nơi đây một nét độc đáo giống như những câu chuyện huyền bí trong tiểu thuyết trinh thám vậy.

Ngày cuối của hành trình.

Sáng hôm sau chúng tôi sau khi thưởng thức bữa sáng và chụp hình để kỉ niệm ở Pygmy xong, thì chúng tôi hoàn thành nốt quãng đường còn lại của hành trình khám phá hệ thống hang Tiger này , một chút nuối tiếc trong chúng tôi, bữa tiệc nào rồi cũng đến lúc phải chia tay. Tôi lại là đứa sợ cảm giác nói lời chia tay với ai đó.

Ra tới bìa rừng thì chúng tôi ngồi đợi xe của JB tới đón.

Vậy là chuyến khám phá của những chú đom đóm của chúng tôi khép lại với nhiều cung bậc cảm xúc. Một chút tự hào sau khi vượt qua được vùng an toàn cùng một chút lưu luyến với những trải nghiệm ngày qua khi ở trong rừng.

Lỗ Hữu Đức Anh (Bài Dự thi)

Các tin khác