Đấu thầu- Mua sắm công

Phượt đảo

Xem với cỡ chữ : A- A A+

Có lẽ những ai sinh ra và lớn lên ở Quảng Bình đều biết đến đảo Yến – hay còn gọi là đảo Nồm – có vị trí đặc biệt kết hợp với đảo Gió và đảo Hòn La để tạo nên một vùng Vũng Chùa kín gió. Đảo Yến còn rất hoang sơ và có tiềm năng du lịch rất lớn. Trên đảo không có dân sinh ngoài những người nuôi và trông coi chim yến. Tôi đến đảo Yến lần này không phải với tư cách là một du khách, bởi nơi đây, những tour tuyến du lịch vẫn chưa được phép khai thác chính thức. Tôi đi thăm Cha, người tình nguyện ra trông coi yến ở đảo. Lâu lắm rồi Cha chưa về nhà, tình phụ tử thôi thúc tôi lên đường, cùng một nhóm bạn của tôi, những người trẻ háo hức được đặt chân đến Quảng Bình – xứ sở mà có lẽ, bao nhiêu người cũng ước ao được đặt chân tới, như tôi.

Tám giờ sáng, sau một đêm nghỉ lại tại Đồng Hới, đoàn chúng tôi bắt đầu khởi hành lên đường. Cứ xuôi về Quốc lộ 1A, thẳng đường ra mộ Đại tướng, nếu các bạn đã biết đường về bãi tắm Vũng Chùa thì chỉ cần rẽ xuống tay phải từ đường Quốc lộ 1, nhưng do chúng tôi mới đi lần đầu nên cả đoàn đi một mạch về con đường đến mộ Đại tướng, sau đó hỏi đường thì được người dân chỉ đường về bãi tắm Vũng Chùa.

Từ đây, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình phượt ra đảo Yến.
Để ra được đảo, Cha đã liên lạc trước với một chủ thuyền ở địa phương đón chúng tôi, do dịch vụ du lịch còn chưa hình thành nên hình như chỉ có anh là người duy nhất ở đây làm công việc đưa đón những người có việc cần kíp hoặc tiếp tế một số đồ ăn, thức uống, hay vật dụng cần thiết ra đảo. Và hành trình ra đảo, nó cũng là một điều thú vị trong những điều thú vị mà tôi, lần đầu tiên trong đời, được trải nghiệm.

Con thuyền lớn ra đảo đã đợi chúng tôi ngoài khơi, đó là chiếc thuyền đánh cá của ngư dân đánh bắt gần bờ, nhưng để lên được thuyền thì chúng tôi phải được vận chuyển từng đợt cả người lẫn đồ đạc mang theo bằng một chiếc thuyền thúng. Năm người không to cao cùng một số đồ đạc được di chuyển đầu tiên, sóng khá lớn, chiếc thuyền thúng chắc chắn và tròn trịa nhưng cũng bị sóng dềnh lên cao vút theo từng đợt sóng xô, một bạn vừa lên thuyền đang loay hoay tìm chỗ ngồi thì đã bị hất tung ngay xuống biển, may mà nước mới chỉ tới gối, nhưng áo quần thì đã ướt như chuột lột đành quay vội lên bờ.

Nhìn theo năm bóng người trong chiếc thuyền thúng dập dềnh trên mặt nước xa dần, xa dần… đột nhiên tôi nghĩ về những chuyến đi biển dài ngày của những ngư dân làng biển, quanh năm lênh đênh sóng nước. Những ngư dân ấy vẫn cần mẫn ra khơi, vẫn bám chắc biển đảo quê hương không quản hiểm nguy, gian khó.

Tôi đứng đợi, phóng tầm mắt ra xa, đảo Yến ngay trước mặt tôi, gần lắm, rất gần…

Một lúc sau, chiếc thuyền thúng quay lại, đến lượt thứ hai của các thành viên trong đoàn lên thuyền, lần này là những bạn to béo hơn và dạn dĩ hơn, kèm theo đồ đạc cá nhân, nước ngọt và một số lương thực, thực phẩm tiếp tế cho Cha và các chú đồng nghiệp của Cha, lần đầu ra đảo mà chúng tôi mang theo thật nhiều thứ.

Tôi là đứa hổ báo nhưng nhát cáy nhất, vẫn nem nép đi chuyến sau cùng với một số đồ đạc còn rất ít.

Chiếc thuyền thúng lại nhỏ dần, nhỏ dần, những thành viên với thân hình vạm vỡ chỉ còn lại những chấm đen nho nhỏ….

Còn lại một mình với hai thành viên, tôi chẳng biết làm gì hơn, lại chăm chú nhìn xuống đất, rồi phóng tầm mắt ra xa…

Nhìn quanh chỗ tôi đứng, vô vàn chú còng nhỏ li ti đang chui lên chui xuống ngôi nhà của mình. Vô số miệng hang và đặc biệt là không hiểu chúng làm gì mà từng hạt cát mịn được viên nhỏ như những bông hoa cát li ti trên mặt đất. Chắc lũ còng cũng chơi trò ấu thơ nghịch đất, nghịch cát như tôi hồi nhỏ.

Nhìn về phương Bắc, đó là nơi chúng tôi vừa đi qua sáng nay, đường sang mộ Đại tướng. Một số nhà cửa đã mọc lên, nhà dân và một khu quy hoạch rộng rãi, đó sẽ là Trung tâm đón tiếp khách tham quan, viếng mộ Đại tướng sau này.

Nhìn về phương Nam, biển trải dài ngút mắt, một màu xanh hầu như bất tận đến vô cùng. Có lẽ ai đã đặt chân đến Bãi Dài của Cam Ranh thì bãi tắm Vũng Chùa cũng mang dáng dấp tương tự.

Biển đảo quê hương Quảng Bình, xanh mênh mông và đẹp vô cùng tận!

Thuyền thúng đã tới, tôi bước lên để ra thuyền lớn.

Toàn đội ngồi trên thuyền, con thuyền bắt đầu nổ máy, dây neo được kéo lên, quay đầu đi về hướng đảo.

Giã từ đất liền, biển bây giờ chỉ duy nhất một màu xanh mênh mông, con thuyền dù lớn và tiếng máy chạy phình phịch cũng không át đi nỗi sợ hãi của tôi, một đứa mới vài ba lần lênh đênh sông nước. Có lẽ bơi tốt thì tôi hẳn đã không đến mức phải bấu vào các bạn đi cùng đoàn mỗi khi sóng dồn lên như muốn xô con thuyền bơi ngược lại.

Rồi đảo Yến cũng đứng đó, trước mắt tôi.

Việc xuống thuyền và đi vào đảo cũng gần giống như lúc lên thuyền, chỉ khác là sóng lặng hơn, và nước trong veo, chỉ mấp mé cổ chân, cát lấp lánh ánh kim pha lẫn màu nâu đất, tôi như vỡ òa bởi cuối cùng thì thuyền đã cập đảo.

Chúng tôi thay nhau khiêng đồ lên bờ, nắng rót trên đầu và ai ai cũng bắt đầu muốn nhanh chóng đi lên ngôi nhà duy nhất trên đảo.

Vừa kịp xếp đồ vào hiên nhà, bỏ những dụng cụ mang theo cho cuộc hành trình ngoài sân là chúng tôi vồ lấy chai nước, uống mấy ngụm rồi tranh thủ dọn bánh trái ra ăn trưa nhẹ. Cha và mọi người chào đón chúng tôi trong niềm vui hân hoan khó tả. Tôi ôm chầm lấy Cha, mọi người chào hỏi nhau tíu tít rồi cùng nhau bày biện thức ăn cho bữa trưa: trái cây Mẹ gửi từ nhà cho Cha, các bạn mang theo bánh lọc, bánh nậm – hai thứ bánh bây giờ trở thành món ngon không thể không nếm khi ai đó đặt chân đến Quảng Bình.

Ăn xong, các bạn lăng xăng dọn dẹp, sắp xếp đồ đạc gọn gàng vào một góc. Chúng tôi chợp mắt ngủ trưa, lấy lại tinh thần để chiều nay tham quan đảo nhỏ.

Ngủ dậy, tôi bắt đầu đi một vòng quanh ngôi nhà duy nhất của hòn đảo, vô vàn gà to gà nhỏ, gà được nuôi để ăn, để chọi và để làm thịt đãi khách khi họ có dịp ra đảo.

Các bạn trong đoàn thì một số đi câu, thám thính quanh đảo và chụp hình. Số nữa mắc võng ngoài mấy gốc cây đu đưa nằm ngắm nắng chiều…

Tôi đi lên mạn đồi phía sau, nằm ở hướng tây bên phải của ngôi nhà. Bạt ngàn hoa sim. Đồi sim trải dài trong ánh hoàng hôn xen lẫn nhiều cây bụi không tên. Mùa này sim nở rộ, từng chùm hoa tím ngát cả một góc đồi đung đưa trong gió chiều mơn man. Những cây sim còi cọc nhưng đầy hoa, trông chúng như những mâm xôi màu tím. Từ đây đến tháng 5 và tháng 6, những chùm hoa tím ngát kia sẽ là những trái sim tròn căng, lúc lỉu. Sim ở đây mọc hoang và sinh trưởng theo thời tiết, nếu đến đảo đúng dịp mùa sim, chắc chắn sẽ được thưởng thức những trái sim căng tròn, ngọt lịm, in dấu tím thẫm trên môi hết sức dễ thương và điệu đà.

Ngồi trên đồi sim và phóng tầm mắt ra xa, biển vẫn mênh mang trong chiều tà dần buông xuống…

Một lúc sau, cả nhóm quay về, không ai câu được con cá nào dù đã chuẩn bị mồi câu và cần câu rất hùng hậu. Mới loanh quanh một vòng quanh đảo và nắng chiều cũng đủ làm mọi người cảm thấy thấm mệt và đói, chúng tôi ăn chiều sớm hơn thường lệ. Thịt gà được múc ra đĩa, mùi sả ớt, tiêu hành bốc lên thơm phức. Bữa tối trên đảo xen lẫn niềm vui và không khí hào hứng. Bia không ly và trận chiến chúc tụng bắt đầu.

Ngoài khơi, những chiếc thuyền thúng đánh cá trở về mang theo sản vật của biển. Cá đủ loại tươi xanh, tôm tít còn ngo ngoe chân trong giỏ nom đến là thèm. Chúng tôi mua tôm Tít, hấp chín chấm muối tiêu chanh làm phong phú thêm cho bữa tối của cả nhà.

Hoàng hôn buông dần trên biển, gió bắt đầu thổi mạnh và mưa, mưa trút xuống sầm sập, biển trở nên cuồng nộ và hung dữ. Trong khi tôi hoang mang nghĩ đến trận cuồng phong thì Cha tôi lại phấn khởi nói rằng phải lâu lắm đảo mới có trận mưa như này, ở đâu mong mưa không biết, chứ ở đảo, ai cũng mong mưa bởi mưa sẽ làm bể nước ngọt, thứ cực kỳ hiếm hoi trên đảo, đầy thêm, mưa làm cây cỏ có thêm chút nước trong lành để sinh sôi phát triển, mưa làm mọi thứ bớt hanh hao và khô khát… Nhìn ra ngoài trời, một màu đen âm u và gió ào ạt thổi.

Rồi một lúc sau, mưa tạnh và gió lặng dần. Biển bình yên rồi giận dữ, hết giận dữ lại cho đời bao thứ ngọt lành …

Chúng tôi đốt lửa trại, gió lạnh hơn nhưng những khúc củi dương khô cong, to đùng bị cơn bão năm rồi quật đổ còn sót lại đã làm ấm lên cả một vùng. Tiếng ghi ta bập bùng, mọi người cùng hát, reo hò và nói chuyện ầm ĩ …

Chơi chán, chúng tôi quay vào nhà chuẩn bị chỗ ngủ. Lâu nay, nhà chỉ có bốn chiếc giường cho khoảng 4 đến 6 người đàn ông nuôi yến và trông coi yến trên đảo. Ban đầu, chúng tôi đã dựng lều ngủ phía bên ngoài nhưng vì cơn giông vừa đi qua và gió mạnh nên các bạn đã chuyển hết vào nhà. Ngôi nhà lúc này lô nhô lều ngủ, ngổn ngang túi ngủ và võng mắc dã chiến trên những chiếc kèo… Cha bảo, mùa hè chưa thực sự đến nên nếu ra đảo mà ở lại thì không khí còn ẩm ướt, chưa tiện cho việc dựng lều, cắm trại qua đêm ngoài bờ biển. Nhưng thời điểm lý tưởng nhất để lên đảo ở lại là vào tháng 5 trở đi, khi thời tiết đã đủ hanh khô để cắm lều ngủ lại bên bờ biển vào ban đêm, ban ngày cũng đủ nắng để bơi lội thỏa thích. Và đặc biệt, tầm đó là mùa sim rộ, tha hồ hái sim và tung tẩy trên đồi.

Một giờ rưỡi sáng, tôi tỉnh giấc, ai nấy đều đã ngủ say, không gian im ắng, chỉ có tiếng ngáy đều đều. Tôi nhìn ra biển, những chiếc đèn màu đỏ nhấp nháy, nhấp nháy liên tục từ những chiếc thuyền công suất nhỏ đánh bắt gần bờ, ngoài khơi xa, đèn giăng hàng như những đại lộ của Sài Gòn hay một nơi phồn hoa nào đó. Biển ầm ì vọng lại trong đêm, tôi mơ màng nhớ về những đêm trại hè trên biển với lũ bạn nhí nhố ngày xưa, khi tất cả chưa hề vướng bận việc vàn và nỗi lo cơm áo …

Bình minh lên, chúng tôi thức dậy 5 giờ sáng để chuẩn bị cho việc đi câu, kế hoạch mà lẽ ra tối qua, nếu không có giông lốc thì Cha đã cho chúng tôi trải nghiệm. Mọi người tranh thủ làm vệ sinh cá nhân và ăn sáng.

Một nhóm lên thuyền đi câu.

Tôi ở lại, một mình đi ra mạn đồi phía đông của đảo, phía sau ngôi nhà là nơi tập trung các tổ yến, đá nhấp nhô cách biển rất cao, sóng đánh tung từng hốc đá ào ạt ở phía dưới nom đến là ngợp. Đằng sau những vách núi cheo leo đó là nhà của Yến, và cả những chòi canh của những con người quả cảm như Cha tôi và đồng nghiệp không quản khó khăn mà gánh vác trên vai trách nhiệm nặng nề.

Đi tiếp về mũi phía đông, vừa bước chân xuống con đường trước mặt để ra mũi phía đông thì chạm ngay hai chú gà đang chọi nhau tơi tả. Có lẽ, dăm bữa nửa tuần, các chú lại đem chúng ra chọi nhau tơi bời. Hai con gà, đứa hăng hái, đứa sắp gục đến nơi mà vẫn cầm cự, tôi cố xua chúng ra xa mà xem chừng như đổ thêm dầu vào lửa.

Rời hai con gà còn hăng máu, tôi lại nhằm mũi phía Đông, cách mũi phía Đông của hòn đảo không xa có một bãi đá, đá ở đây rất lạ, chỉ mang một màu nâu đất, đậm đà như gốm nung lò bị già lửa. Cả bãi đá khá rộng, chúng mang đủ hình thù và màu nâu đậm đặc trưng trông rất lạ và đẹp mắt. Từng vũng nước nhỏ trong vắt xen lẫn mát rượi dưới chân người. Mặt trời lên to như cái bát úp đỏ rực cả một mặt biển, phía khơi xa, một con tàu lừng lững đang lênh đênh trên mặt biển khổng lồ.

Phía sau nữa, đá và đá chông chênh, cao sừng sững cách mực nước biển có lẽ phải vài trăm mét, giá tôi đủ mạo hiểm đi câu cùng đội kia thì đã có cơ hội đi một vòng và ngắm quanh toàn đảo, nhưng tôi biết chắc rằng, những vách đá tiếp giáp với mặt nước biển kia là nhà của Yến, nhà của những con chim suốt một đời vắt kiệt mình ra, nhả hết sức lực để dâng tặng cho con người thứ thức ăn đầy bổ dưỡng.

Tôi tiếp tục đi về mạn phía Tây của đảo, hôm qua đi lên đồi sim, nhưng sáng nay tôi chỉ đi dọc mép nước, khác với mạn phía Đông ầm ào và mạo hiểm thì phía Tây hết sức thanh bình và nên thơ. Cát trải dài mép nước, tiếp đến là bãi đá cũng chạy dài, từng đợt sóng vỗ vào rồi lại chạy ra xa, một cảm giác yên bình đến thanh thản.

Vòng quanh ra phía sau cũng là biển, từ đây, nếu đi thuyền cũng có thể đến được mộ Đại tướng bằng đường thủy.

Nghỉ chân trên một tảng đá yên bình, tôi nghe biển mênh mang hát lời tình tự, nếu những đôi lứa yêu nhau sẽ tính chuyện trăm năm hay vừa mới tay trong tay cắt bánh, rót rượu vang trong không khí rộn ràng của ngày chung đôi và dự trù cho tuần trăng mật ngọt ngào của mình mà không chọn chốn phồn hoa đô hội cho tuần trăng mật ấy, thì đây là nơi quá ngọt ngào để các bạn có thể một lần đặt chân đến, một lần bên nhau yên bình, nghe biển ru và say giấc nồng cùng biển …

Rồi cũng đến lúc quay về để chờ nhóm đi câu trở lại bờ. Mấy thanh niên say sóng ngật ngừ hét um cả đảo, chỉ một vài người không say, cả nhóm câu được một số mực và cá, nhìn chúng còn nhảy tanh tách trong chiếc vợt đan bằng lưới, tôi càng thấy biển thật hào phóng, thật rộng rãi với con người …

Bữa trưa thứ hai trên đảo của chúng tôi, một lần nữa, thật ấm áp, thật tươi ngon với những thứ sáng nay vừa “gặt hái” được.

Chiều đến, chúng tôi cùng nhau bơi lội thoả thích và đi thu gom rác, tuy hòn đảo còn khá hoang sơ và không có dân cư sinh sống, nhưng rác từ đất liền hoặc một nơi nào đó trôi dạt ra và tấp lại ở đây khá lớn, chúng tôi thu gom rác và đốt tiêu huỷ hầu như gần hết.

Đêm thứ hai trên biển, chúng tôi bên nhau uống trà, nghe sóng vỗ ầm ì và tiếng máy thuyền đi câu của ngư dân vọng vào khá rõ. Trăng bắt đầu nhô lên trên biển, hùng vĩ và nên thơ như đang ở một thiên đường thơ mộng nào đó.

Bình minh lên, báo hiệu một ngày mới lại đến, chúng tôi gói ghém mọi thứ để về đất liền. Tạm biệt đảo yêu thương, tạm biệt Cha và các bác, các chú. Nhìn lại hòn đảo xanh bé nhỏ giữa đại dương mênh mông, lúc này, trông nó như một nhúm đất, mà có lẽ, khi đi khai khẩn đất trời, mẹ Âu Cơ của chúng ta khi qua chốn này đã mỏi mệt mà chao nghiêng đôi gánh khổng lồ để rồi bây giờ nhúm đất ấy, trở thành nơi an sinh cho những đứa con của Mẹ.

Tôi mơ về một ngày mai, khi nơi này trở thành một địa điểm du lịch chính thức trên bản đồ du lịch của Quảng Bình nói riêng và Việt Nam nói chung, chắc chắn, đảo Yến là nơi các phượt thủ trẻ muốn đặt chân đến, muốn được ru lòng mình với biển, với đất trời để thêm yêu, thêm trân quý biển đảo quê hương – tặng phẩm quý giá mà thiên nhiên đã ban tặng con người với tình yêu vô bờ bến.

ĐOÀN THỊ LƯƠNG HÒA (Bài dự thi)

Các tin khác